Việc lựa chọn cây bút đầu tiên

Việc lựa chọn cây bút đầu tiên là một trải nghiệm cực kỳ quan trọng, vì đó sẽ là tiền đề cho người viết hình thành nên những suy nghĩ và thói quen sau này. Nên việc lựa chọn cây bút đầu tiên dựa trên hai yếu tố là "dựa trên đặc điểm và thói quen của người viết’’ và "dựa trên đặc điểm của bút’’.
Lựa chọn cây bút đầu tiên dựa trên đặc điểm và thói quen của người viết
Việc lựa chọn cây bút đầu tiên không phải cứ ra cửa hàng cầm một cây bút bất kỳ lên và quyết định mua, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau dựa trên đặc điểm và thói quen của người dùng bút như kích thước tay, kích cỡ chữ viết, đặc điểm chữ viết và kinh phí mua bút.
1. Kích cỡ tay
Một yếu tố phải kể đến đầu tiên khi lựa chọn bút là xem cây bút có vừa với tay hay không, vì nếu dùng một cây bút không phù hợp với tay, thì chúng ta sẽ bị mỏi và ảnh hưởng đến các cơ. Người có bàn tay to thì phù hợp hơn với những cây bút cỡ lớn và dài. Ngược lại, những ai có bàn tay nhỏ thì nên dùng các bút có kích cỡ nhỏ hơn và có dáng thon.
2. Đặc điểm chữ viết
Việc thường viết loại chữ gì cũng là một yếu tố phải kể đến. Nếu viết các thứ tiếng như tiếng Hoa, Hàn hay Nhật và cần phải viết chữ tượng hình, thì nên dùng bút có ngòi mảnh khoảng cỡ F hoặc thậm chí nhỏ hơn là EF. Còn nếu viết bảng chữ Latin thì bên cạnh dùng các cỡ ngòi mảnh, cũng có thể dùng các cỡ ngòi to hơn là ngòi M hoặc ngòi B. Người Việt Nam, do ảnh hưởng của các đặc điểm khác như kích thước tay và cỡ chữ, nên đa số thường sử dụng trong khoảng ba cỡ ngòi EF, F và M. Nếu dùng những ngòi to, thì nên nhớ rằng lượng mực cũng sẽ chảy ra nhiều hơn và nếu không cẩn thận sẽ dễ lem hơn.
3. Kích cỡ chữ viết
Thường với những ai viết chữ nhỏ, thì các bạn sẽ được khuyên dùng ngòi mảnh để phù hợp. Cũng như với kích cỡ tay vậy, chữ viết của bạn càng to, thì tốt nhất bạn nên dùng ngòi to. Việc viết chữ nhỏ bằng ngòi to và ngược lại dùng ngòi mảnh để viết chữ to sẽ khiến cho nét chữ khó nhìn và không cân xứng.
4. Kinh phí mua bút
Với những ai mới dùng bút máy, nên tìm những cây bút phổ thông của các hãng và có tầm giá mềm dưới một triệu đồng. Các hãng bút châu Âu và châu Á đều có các mẫu bút dành cho người mới bắt đầu sử dụng khá tốt.
Dựa trên đặc điểm của bút
Phía trên là một vài yếu tố đầu tiên cần làm rõ của bản thân mỗi người để tiến đến quyết định mua một cây bút. Còn về bản thân cây bút cũng có nhiều đặc điểm cần phải được cân nhắc để quyết định xem đó có phải là cây bút phù hợp hay không. Một số đặc điểm có thể được kể đến như là thiết kế bên ngoài, chất liệu bút, ngòi bút, cơ chế tiếp mực và cuối cùng quan trọng không kém là hãng bút.
1. Thiết kế bên ngoài
Một yếu tố phải kể đến đầu tiên khi lựa chọn một cây bút là thiết kết bên ngoài có vừa ý hay không. Các hãng làm bút thường sẽ có những tiêu chí thiết kế bút khác nhau, như Lamy sẽ gắn liền với hình ảnh những cây bút góc cạnh và làm dựa theo trường phái thiết kế Bauhaus, Kaweco nổi tiếng bởi dáng vẻ cổ điển, nhỏ gọn và có nắp lớn đậy gần kín thân bút. Trong khi đó Sailor thường có các mẫu bút như hình bầu dục kéo dài phình to ra ở giữa, hoặc Opus 88 sẽ gắn liền với các mẫu bút to và được kết hợp nhiều màu sắc.
2. Chất liệu bút
Chất liệu bút cũng là một yếu tố phải kể đến. Đa số các dòng bút máy hiện tại của nhiều hãng được làm bằng nhựa, nhưng nhựa cũng có nhiều loại khác nhau. Như Sailor, đối với các dòng bút giá mềm thường sẽ được làm loại nhựa trong, nhẹ và sẽ nâng cấp lên các loại nhựa có chất lượng tốt đối với các dòng bút giá cao hơn. Còn Kaweco và Lamy, ngoài các dòng bút phổ thông bằng nhựa thì các dòng bút cao hơn sẽ được làm bằng các kim loại khác nhau như nhôm, bạc hoặc đồng…
Bên cạnh đó, chất liệu bút cũng sẽ có liên quan chặt chẽ đến một yếu tố khác là cân nặng của bút. Về căn bản các bút làm bằng kim loại thường sẽ có độ nặng nhất định và cho cảm giác viết đầm tay hơn, trong khi đó các bút bằng nhựa sẽ cho cảm giác khi viết nhẹ nhàng hơn và không bị giữ lại.
3. Ngòi bút
Như đã nói ở phần trên, tùy theo đặc điểm của người chọn bút mà sẽ có lựa chọn về kích cỡ ngòi bút khác nhau. Về căn bản, ngòi bút tròn cho nét đơn thích hợp dùng để viết hằng ngày sẽ có các cỡ lần lượt từ từ mảnh đến dày là EF, F, MF, M và B. Bên cạnh để còn có thể kể đến ngòi dùng cho các mục đích khác như ngòi Italic khi viết có thể tạo ra hiệu ứng nét thanh nét đậm hoặc ngòi Flex. Vẻ ngoài của ngòi cũng là một yếu tố nên xét để như thiết kế bên ngoài của bút để cho hai thứ dòng nhất với nhau, như sẽ có các ngòi bạc, ngòi bạc được mạ vàng, ngòi mạ sơn đen hay loại ngòi được inox hóa.
4. Cơ chế tiếp mực
Bút máy thường có một vài cơ chế tiếp mực khác nhau, biết được các loại và ưu nhược điểm của từng cơ chế sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn bút.
Cartridge : là những ống nhựa chứa mực có sẵn và là lựa chọn phổ biến và dễ tìm nhất cho người sử dụng bút máy. Ưu điểm của việc sử dụng cartridge là tính đơn giản và tiện dụng, có thể thuận tiện mang theo bất kỳ đâu, và ống mực cũng có giá khá là hợp lý. Nhưng cartridge cũng có một vài nhược điểm là hạn chế về màu sắc và phải tìm được loại cartridge phù hợp để lắp vào vừa cây bút. Bên cạnh đó cartridge bị hạn chế về mặt dung tích và việc dùng xong rồi vứt sẽ ảnh hưởng đến môi trường.
Converter : Cơ chế bơm mực khác cũng phổ biến là converter hay có thể tạm dịch là ống bơm mực. Converter thông thường sẽ bao gồm hai loại chính là piston converter và squeeze converter (converter bóp). Một ưu điểm đầu tiên của việc sử dụng converter là khả năng tái sử dụng cao, có thể dùng rất nhiều lần cho việc bơm mực và có thể đổi màu mực tùy thích trong khi việc vệ sinh cũng dễ. Converter dễ sử dụng, chỉ sau vài lần bơm mực là thành thạo. Tuy nhiên khuyết điểm của converter là khả năng tương thích khi mà mỗi hãng bút chỉ dùng được converter của hãng đó.
Built-in filling systems : Một cơ chế bơm mực thường được sử dụng trong các dòng bút từ trung và cao cấp trở lên, đó là cơ chế tiếp mực built-in. Cơ chế tiếp mực này có hai loại chính là cơ chế built-in piston và cơ chế built-in vacuum. Ưu điểm của cơ chế này là dung tích lớn vì mực được chứa luôn trong thân bút, không cần thêm vào một chi tiết nào khác. Cơ chế này thường chỉ có trên những dòng bút trung và cao cấp trở lên nên giá cả cũng là một yếu tố phải cân nhắc.
Eyedropper pens : Giống như tên gọi của mình, eyedropper là cơ chế dùng một vật dụng khác, thông thường là ống nhỏ giọt để làm đầy mực vào thân bút. Ở cơ chế này, thân bút được làm rỗng thành một khoang chứa mực, nên không cần lắp cartridge hay converter. Đương nhiên khi được thiết kế như vậy, thì một ưu điểm lớn của cơ chế eyedropper là dung tích chứa mực rất lớn, có thể viết thoải mái trong một thời gian dài mài không sợ hết mực. Bên cạnh đó thì cơ chế này cũng không kị bất cứ loại mực nào nên thử được nhiều loại mực khác nhau. Nhưng khuyết điểm của cơ chế này là mực sẽ dễ bị rò rỉ ra bên ngoài nếu không cẩn thận và dùng không đúng cách.
5. Hãng bút
Và cuối cùng một yếu tố mà người chọn bút thường cân nhắc không kém là hãng bút. Về căn bản, có thể chia hãng bút theo hai khu vực địa lý chính là các hãng bút Âu và bút Á. Trước hết, bút Á có các hãng nổi tiếng lâu đời trước nay như Sailor, Pilot, Platinum của Nhật, hoặc sau này có Opus 88 và TWSBI của Đài Loan. Còn về châu Âu, có nhiều hãng bút nổi tiếng đến từ Đức là Montblanc, Pelikan, Kaweco, Lamy. Bên cạnh đó châu Âu còn có các hãng danh tiếng khác như Parker, Dupont, Waterman, Cartier, Aurora, Visconti, Montegrappa...
Khi xét đến yếu tố lịch sử về thời gian du nhập vào Việt Nam, thì các hãng như Pilot, Parker là nổi trội hơn cả vì đã được đưa vào Việt Nam từ lâu và còn in hằn trong tâm trí của nhiều người Việt, đặc biệt là giới trung niên và lão thành.
Nguồn : butsuutap.vn