Namiki - Nghệ thuật sơn mài tuyệt đỉnh Maki-e

Namiki là hãng bút nổi tiếng với những cây bút máy tinh xảo nhất thế giới, được đánh giá cao về nghệ thuật thủ công truyền thống hàng đầu của Nhật Bản. Tất cả các sản phẩm của Namiki đều được tạo ra bởi Pilot “Kokkokai”, nhóm những nghệ nhân Maki-e tâm huyết hàng đầu của hãng.
Namiki là hãng bút nổi tiếng với những cây bút máy tinh xảo nhất thế giới, được đánh giá cao về nghệ thuật thủ công truyền thống hàng đầu của Nhật Bản trong một thời gian dài kể từ lần đầu tiên ra mắt liên doanh Dunhill-Namiki (khi hợp tác với Alfred Dunhill) vào năm 1930. Tất cả các sản phẩm của Namiki đều được tạo ra bởi Pilot “Kokkokai”, nhóm những nghệ nhân Maki-e tâm huyết hàng đầu của hãng.
SƠN URUSHI
Cây sơn là một loại cây rụng lá chỉ có ở hương Đông. Vào mùa thu, những chiếc lá chuyển màu sang những sắc thái tuyệt đẹp và khiến mùa này ở Nhật Bản trở thành một màn trình diễn ngoạn mục của những sắc màu rực rỡ.
Các đầu mũi tên bằng đá lửa được tìm thấy trên khắp Nhật Bản có niên đại từ thời kỳ đồ đá được gắn trên thân tre trúc bằng cách gắn chúng vào một vết xẻ hình thành ở cuối thân tre và sau đó buộc chặt mối nối bằng vỏ của cây hoa tử đằng, và đầu đá được cố định tại chỗ bằng sơn Urushi. Tuy nhiên, chỉ có phần mũi tên đã được sơn tẩm Urushi vẫn còn cho đến ngày nay. Bát gỗ, lồng dệt, lược Urushi và đồ trang trí phủ sơn Urushi cũng được tìm thấy trên những món đồ cổ được khai quật có từ thời Jomon (thời kỳ đồ đá mới ở Nhật). Vì vậy, từ hàng ngàn năm trước, con người đã biết về đặc tính của nhựa cây sơn và sử dụng nó. Hiện vật lâu đời nhất sử dụng sơn Urushi còn tồn tại ngày nay được cho là bức tiểu hoạ trang trí bọ ngọc thu nhỏ ở đền Horyuji, Nara. Từ thời Asuka đến thời kỳ Nara (cuối thế kỷ 6 đến cuối thế kỷ thứ tám), nhiều ngôi chùa lớn đã được xây dựng, và nhu cầu về Urushi để sơn phủ lên tượng Phật và đồ trang trí, đồ thờ ngày càng tăng, và kỹ thuật cũng ngày một phát triển.
Thời gian trôi qua, nhiều kỹ thuật phức tạp khác nhau đã hình thành, và kỹ thuật Maki-e độc nhất của Nhật Bản đã được tạo ra. Những kỹ thuật này đã được lưu truyền như những nghề thủ công truyền thống của Nhật Bản và những phương pháp có từ hàng thiên niên kỷ này vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến ngày nay. Maki-e được sử dụng trên bút máy vào đầu thế kỷ 20. Nó là vật liệu tuyệt vời vào thời đó, nhưng cuối cùng bề mặt bắt đầu chuyển sang màu nâu và mất độ bóng. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều ý tưởng khác nhau để giải quyết vấn đề và phát triển các kỹ thuật tận dụng độ bền của sơn mài Urushi. Công nghệ này được biết đến với tên gọi “Laccanaite” và đã được cấp bằng sáng chế tại Nhật Bản, Mỹ, Pháp và Anh. Trong thời kỳ đầu kể từ khi thành lập hãng, Pilot Namiki đã nhờ rất nhiều vào công nghệ này để gây dựng danh tiếng ban đầu.
KỸ THUẬT MAKI-E
Năm 1926, Giáo sư Gonroku Matsuda thuộc Đại học Mỹ thuật và Âm nhạc Tokyo đã được mời tới làm việc tại hãng bút Pilot để giám sát kỹ thuật sơn mài Maki-e. Ông thành lập một nhóm gồm hơn 70 nghệ nhân Maki-e lấy tên là “Kokkokai”, trực tiếp chỉ đạo và giám sát các thiết kế của họ. Pilot đã hợp tác với Matsuda hơn 30 năm trong một mối quan hệ kéo dài ngay cả sau khi ông trở lại trường đại học. Giáo sư Matsuda thậm chí còn được chính phủ công nhận là “Bảo vật sống của Quốc gia” vì những đóng góp to lớn của ông cho nghệ thuật Maki-e Nhật Bản.
Giáo sư Gonroku Matsuda
Năm 1930, Tập đoàn Alfred Dunhill có trụ sở tại Luân Đôn, Anh Quốc đã ký một thỏa thuận đại diện với Pilot dẫn đến việc tạo ra một trong những nhà sản xuất bút cao cấp, tinh xảo nhất thế giới, Dunhill-Namiki. Những chiếc bút máy Maki-e luôn được các nhà sưu tập đánh giá cao và săn đón trong nhiều thập niên sau này. Kỹ thuật và tinh thần của những nghệ nhân bậc thầy này vẫn tồn tại trong Pilot-Namiki ngày nay. Các nghệ nhân Maki-e của hãng nghiên cứu và làm việc dưới sự hướng dẫn của “Kokkokai” để chế tác và hoàn thiện từng cây bút một cách riêng lẻ.
Vintage Dunhill-Namiki
CÁC DÒNG BÚT NAMIKI
Emperor Collection : Đỉnh cao của dòng Namiki là dòng Emperor size to. Những chiếc bút máy Maki-e cỡ lớn này được sản xuất cách đây hơn 100 năm. Giống như những bản gốc, Emperor ngày nay cũng được trang bị ngòi cỡ 50 (Jumbo Nib) cùng hệ thống cấp mực độc đáo. Thân bút được làm từ Ebonite, hoàn thiện Maki-e tinh xảo trên nền sơn Urushi đen bóng. Những cây bút máy Emperor chỉ được thực hiện bởi những nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm và được đào tạo chuyên sâu. Sự chú tâm đến từng chi tiết cực nhỏ và kỹ thuật tinh xảo của họ đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật Maki-e vô cùng biểu cảm và đẹp mắt.
Yukari Royale Collection : Là dòng cao cấp xếp ngay dưới Emperor, với kích thước nhỏ hơn nhưng vẫn đủ lớn để có cách xử lý Maki-e phong phú và biểu cảm. Thiết kế dòng Yukari Royale được tạo từ những họa tiết Maki-e truyền thống của Nhật Bản trong một kích thước phù hợp để mang theo bên mình, được hoàn thiện một cách tỉ mỉ với kỹ thuật Maki-e (được làm nổi) theo phong cách Togidashi-Taka khiến nó thực sự xứng đáng với tên gọi “Namiki”.
Yukari Collection : Những điều đẹp đẽ mang lại cho chúng ta sự bình yên và vui vẻ. Thời khắc giao mùa đã gợi cảm hứng cho rất nhiều nhà thơ, nghệ sĩ. Đặc biệt, hoa rất được ưa chuộng để trang trí, trồng trọt và đi thưởng thức… Các chủ đề khác nhau được yêu thích qua nhiều thời đại ở Nhật Bản được tái hiện bằng kỹ thuật Maki-e trên những cây bút thuộc bộ sưu tập Yukari của Namiki. Những chiếc bút máy này có thể được coi là tác phẩm nghệ thuật thủ công truyền thống. Kỹ thuật Raden (ngọc trai) cung cấp nhiều sắc thái thú vị khác nhau tùy thuộc vào cách nó được sử dụng. Đối với những phiên bản này, mỗi phần vỏ trai được khảm riêng lẻ và đánh bóng sau khi cố định toàn bộ lớp vỏ bằng sơn mài Urushi.
Nippon Art Collection : Bộ sưu tập Nippon Art có các chủ đề cổ điển của Nhật Bản sử dụng kỹ thuật Hira Maki-e. Đồ chơi truyền thống của Nhật, được cha mẹ, ông bà truyền lại cho con cháu. Những biểu tượng tốt lành, đã được trân trọng qua nhiều thời đại. Hình ảnh núi Phú Sĩ, một trong những họa tiết nổi tiếng trong tranh Ukiyo-e được coi là một loại hình nghệ thuật độc đáo của Nhật Bản. Origami (gấp giấy), một hình thức giải trí truyền thống ở xứ sở hoa anh đào, cũng nổi tiếng trên toàn thế giới… Những chủ đề này được tái hiện tinh tế trên nền sơn mài màu đen bóng.
Urushi Collection : là dòng bút máy lớn được sản xuất từ những năm 1930. Nó được đặt tên là “No.50 Jumbo” và được sản xuất dưới hai thương hiệu Pilot và Dunhill-Namiki. Những chiếc bút này có hệ thống mực độc đáo. Hoàn thiện sơn mài Roiro Urushi đạt được bằng cách phủ một lớp sơn Urushi không dầu lên lớp sơn trên cùng. Tiếp theo, nó được đánh bóng bằng một loại than đặc biệt, và sơn mài thô được chà lên trên. Sau đó bề mặt được để khô, và sau khi sấy khô nó tiếp tục được đánh bóng. Quá trình này được lặp đi lặp lại nhiều lần để cho ra một lớp sơn bóng độc đáo.
Bộ sưu tập Urushi Collection tồn tại 2 phiên bản: No.50 (Emperor size) và No.20 (Yukari Royale size).
Chinkin Collection : Chinkin (dát vàng) là một trong những kỹ thuật truyền thống tiêu biểu của Nhật Bản giống như Maki-e. Đây là một kỹ thuật trong đó bề mặt được phủ một lớp sơn mài Urushi không dầu và các thiết kế được chạm khắc trên bề mặt sơn mài bằng một chiếc đục đặc biệt. Sau đó, bột vàng, vàng lá và các kim loại quý được khảm vào các vết khắc. Phương pháp này có độ hoàn thiện tốt và tinh tế kết hợp với biểu cảm ba chiều mạnh mẽ. Kỹ thuật Chinkin mang lại sự thể hiện tuyệt vời ở các đối tượng như kết cấu của lông chim và tạo ra các thiết kế cực kỳ chân thực. Vì vậy, Chinkin được coi là một kỹ thuật sản xuất đồ sơn mài truyền thống hàng đầu của Nhật Bản. Kỹ thuật Chinkin có lịch sử lâu đời. Nó có nguồn gốc ở Trung Quốc, nơi nó được gọi là “Soukin” và bắt đầu vào triều đại nhà Tống (960 ~ 1279). Vào đầu thời nhà Minh (1368 ~ 1644), nó được coi là kỹ thuật sơn mài tiên tiến nhất. Kỹ thuật Soukin đến Nhật Bản trong thời đại Kamakura (1185 ~ 1333) và các đồ tạo tác được thực hiện trong thời kỳ Nam Bắc triều (1336 ~ 1392). Đồ sơn mài Wajima theo kỹ thuật Chinkin do Thợ mộc Gorobei làm trong thời đại Edo-Kyouho (đầu thế kỷ 18) tham khảo các đồ tạo tác kỹ thuật Soukin. Các kỹ thuật chạm khắc trong phương pháp Chinkin bao gồm Tenbori (khắc điểm), sử dụng một nhóm điểm tập trung, Senbori (khắc tuyến tính), sử dụng các đường nét tập trung, Kosuribori (khắc chà), cào bề mặt thô và Katagiribori (khắc một mặt) bằng cách sử dụng một góc của lưỡi đục phẳng. Bằng cách khéo léo kết hợp các chấm lớn và nhỏ, các đường nét mảnh và dày, các tông màu đậm và nhẹ nhàng hơn, tạo ra các tác phẩm tinh tế với độ phù điêu cao, phối cảnh sâu và kết cấu phong phú. Không giống như kỹ thuật Maki-e, kỹ thuật Chinkin bao gồm việc chạm khắc chứ không phải sơn phủ, và vì vậy một khi công việc bắt đầu, nó không thể sửa chữa ngay cả khi có lỗi. Điều này có nghĩa là người nghệ nhân mỗi khi thao tác sẽ không được phép thất bại. Mỗi nét đục chạm khắc đều đòi hỏi kỹ năng và sự tập trung cao độ. Tác phẩm Chinkin trên các bề mặt cong như bát và bình đựng trà Natsume đòi hỏi người nghệ nhân phải có kỹ thuật cực kỳ cao được trui rèn qua năm tháng. Hơn nữa, họ phải là những nghệ sĩ có trí tưởng tượng và kỹ năng vượt trội.
Nguồn : Internet